Tăng trưởng tốt
Những tháng đầu năm, giá nguyên liệu trên thế giới tăng mạnh cả về quặng sắt, sắt, thép vụn… đã khiến giá thép trong nước cũng có điều chỉnh tăng. Tháng 1, 2/2019, giá thép điều chỉnh tăng 400.000 - 500.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép trong nước khoảng 12,5 - 12,6 triệu đồng/tấn.
Tiêu thụ thép tăng trưởng khá.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), mặc dù giá thép tăng cao, nhưng mức tiêu thụ vẫn rất tốt. Cụ thể, tiêu thụ các sản phẩm thép tháng 1/2019 đạt 1.958.009 tấn, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 2/2019, đạt 1.648.961 tấn, giảm 15,87% so với tháng trước nhưng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Tháng 3/2019, sản lượng sắt, thép thô đạt 1.684.000 tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2018; sản lượng thép cán ước đạt 506,7 nghìn tấn, tăng 13,5%; sản lượng thép thanh, thép góc ước đạt 522,9 nghìn tấn, tăng 0,6%.
Về xuất khẩu, theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2019 xuất khẩu sản phẩm từ sắt, thép tăng so với tháng 12/2018; tháng 2/2019 suy giảm 39,7% so với tháng 1, nhưng đến tháng 3 tăng trưởng trở lại. Theo ước tính từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kim ngạch xuất khẩu thép tháng 3 đạt 280 triệu USD, tăng 60,3% so với tháng 2/2019 và tăng 6,8% so với tháng 3/2018, nâng kim ngạch 3 tháng đầu năm lên 744 triệu USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch VSA - cho biết, mọi năm, do ảnh hưởng của tháng Tết nên quý I, sản xuất và tiêu thụ đều giảm. Riêng năm 2019, tiếp đà tăng của năm 2018, những hợp đồng xuất khẩu lớn vẫn được các doanh nghiệp xuất đi trong những tháng đầu năm, kể cả thời gian nghỉ Tết Kỷ Hợi. Nguyên nhân là do các đơn vị tiêu thụ, doanh nghiệp thương mại có sự chuẩn bị cho tháng 4, 5/2019 - cao điểm mùa xây dựng, mua vào số lượng khá lớn để dự trữ. Bên cạnh đó, Chính phủ quan tâm hơn các dự án đầu tư công, thúc đẩy thị trường xây dựng….
Thêm nhiều thách thức
Nhận định về tăng trưởng của ngành thép trong năm nay, Bộ Công Thương cho biết, ngành thép có triển vọng tăng trưởng tốt, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Năm 2019, Dự án thép Formosa Hà Tĩnh sẽ vận hành 2 lò cao hết công suất; thép Hòa Phát Dung Quất dự kiến cũng được đưa vào vận hành … Do đó, dự kiến mức tăng trưởng của ngành thép trong năm nay cao hơn khoảng 10% so với năm 2018.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, khó khăn cũng đến với ngành thép do trào lưu bảo hộ thương mại và phụ thuộc vào giá nguyên liệu thế giới. Chưa kể, năm 2019, giá điện tăng cũng khiến ngành thép thêm khó khăn. “Từ ngày 20/3, giá điện tăng từ 1.720,65 đồng lên 1.864,04 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), chắc chắn sẽ gây tác động với ngành thép do thép là ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, trong đó có điện năng” - ông Sưa khẳng định.
Theo ước tính của VSA, giá điện tăng 8,36%, giá thép có thể tăng khoảng 100.000 đồng/tấn. Vì thế, sẽ tác động mạnh đến nhóm các doanh nghiệp thép sử dụng lò điện hồ quang (EAF) như Pomina, Vina Kyoei…
Hiện, VSA khuyến cáo doanh nghiệp tăng cường các biện pháp quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để giảm tiêu thụ năng lượng, đặc biệt là điện. Hành động này không chỉ giúp giảm tối đa tác động của việc tăng giá điện mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm tăng lên, giá hợp lý hơn.
- Cách sử dụng bạt tráng bạc cách nhiệt (30.08.2024)
- Khuyến mãi khi mua con kê bê tông vào tháng 8 năm 2023 (02.08.2023)
- Báo giá Lưới thủy tinh chống thấm năm 2024 (01.07.2023)
- Giá con kê bê tông ở khu vực miền Tây (15.11.2022)